Đưa nông sản lên chợ online (07/06/2021)

 

Mùa vụ 2021 là năm thứ hai gia đình ông Sinh - hộ trồng vải tại Lục Ngạn (Bắc Giang) bỏ vốn đầu tư, nâng tiêu chuẩn trồng từ VietGap sang GlobalGap để đạt chuẩn xuất khẩu. Năm nay ông cùng một số hộ trồng tại Lục Ngạn bắt đầu đưa vải lên sàn thương điện tử dưới sự trợ giúp của thành viên hợp tác xã. Việc các hộ trồng vải tìm thêm kênh bán mới cho quả vải đang tới mùa thu hoạch, theo ông là cần thiết trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bắc Giang là một trong những tâm điểm dịch bệnh lần này.

"Thương lái Trung Quốc hiện chưa sang vì dịch bệnh, gần 2 ha vải được hợp tác xã ký hợp đồng bao tiêu, thu mua nhưng tôi vẫn 'tập tành' đưa quả vải lên kênh bán trực tuyến với sự giúp đỡ của thành viên hợp tác xã", ông Sinh chia sẻ.

Dự kiến trong tháng 5 này, những trái vải đầu tiên của Bắc Giang sẽ có trên kệ hàng online của một số sàn thương mại điện tử trong nước và sàn quốc tế như Alibaba, Amazon. Ngoài ra, tỉnh này cũng thúc đẩy kênh bán trên website trực tuyến www.dacsanlucngan.vn và www.vaithieubacgiang.vn. Bắc Giang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch vải sớm, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, số lượng doanh nghiệp tiếp cận và tìm kiếm nguồn hàng trên trang thương mại điện tử www.dacsanlucngan.vn tăng lên từng ngày.

Trước Bắc Giang, vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đã lên sàn thương mại điện tử thành công, bên cạnh kênh truyền thống. Trong ngày đầu mở bán (24/5), đại diện Sendo - một trong những sàn thương mại điện tử tham gia tiêu thụ vải thiều năm nay, cho biết đã bán ra hơn 6 tấn, với giá ưu đãi 18.000 đồng một kg. Dự kiến, sàn này sẽ tiêu thụ khoảng 12 tấn vải thiều Hải Dương trong 4 ngày mở bán loại nông sản này. Còn trên sàn Lazada, gần 3 tấn vải u trứng của Hải Dương đã được tiêu thụ.

Thực tế là không ít mùa vải, nông dân Hải Dương hay Bắc Giang chịu cảnh bấp bênh bởi chi phí sản xuất ngày càng cao nhưng giá bán lại phụ thuộc vào thương lái. Do đó, việc đưa vải thiều lên sàn thương mại điện tử không chỉ là hướng đi để tiêu thụ vải trong ngắn hạn, mà có thể là giải pháp phát triển kênh phân phối có lợi nhất cho người nông dân.

Việc hỗ trợ nông dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, theo ông Nguyễn Quang Thuật - Phó tổng giám đốc công ty công nghệ Sendo, giúp người trồng vải chủ động tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, giảm thiểu tình trạng nông sản cần "giải cứu" như vừa qua.

Thực tế hồi tháng 3, sàn thương mại điện tử này đã hợp tác cùng Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ tiêu thụ nông sản Hải Dương (su hào, bắp cải, cà rốt...) trong thời kỳ tỉnh Hải Dương bị cách ly do dịch. Vì thế, việc đưa vải thiều Thanh Hà lên Sendo lần này thuận lợi hơn do đã đúc rút được một số kinh nghiệm từ vận chuyển, quản lý chất lượng và làm việc với đơn vị cung ứng.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, việc đưa hàng, nhất là nông sản lên mạng để bán trong nước và xuất khẩu sẽ là xu hướng. Cục cũng kết nối với sàn thương mại điện tử, chuỗi cung ứng... để bảo đảm hệ thống hậu cần, kho bãi đáp ứng yêu cầu kinh doanh của nông dân trên sàn. Từ đó, tạo thêm kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương.

Ngoài quả vải, cơ quan xúc tiến thương mại cùng các sàn thương mại điện tử và các đối tác đưa nhiều đặc sản khác của Việt Nam như cafe, gạo... lên sàn bán online. Không riêng kênh bán online trong nước, kênh thương mại điện tử, quảng bá sản phẩm Việt ra thị trường nước ngoài cũng đang được đẩy mạnh. Theo ông Phú, cơ quan này đang làm việc với sàn Alibaba để mở một gian hàng quốc gia, giới thiệu, quảng bá hàng Việt ra thế giới. Nhưng, như phần lớn nông dân trồng vải ở Bắc Giang hay Hải Dương, ông Sinh thừa nhận, việc đưa quả vải lên sàn thương mại điện tử, bán online vẫn ngoài sức bởi họ không rành công nghệ. "Các hộ trồng vải tại Lục Ngạn vẫn quen với kênh tiêu thụ truyền thống, bán cho thương lái từ Trung Quốc sang chọn mua, hoặc "đổ buôn" cho hợp tác xã", ông Sinh nói.

Vì thế, đưa quả vải lên kênh bán hàng hiện đại, ứng dụng công nghệ dù là hướng đi mới trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng vẫn gặp không ít khó khăn. Thách thức lớn nhất, theo ông Hoàng Minh Chiến - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại là kiến thức của nông dân về kinh doanh trực tuyến qua sàn thương mại điện tử còn hạn chế. Mặt khác, nông sản là sản phẩm đặc thù, các yêu cầu về đóng gói, thời gian bảo quản, vận chuyển phải nhanh, nên thách thức là sự kết nối chuỗi cung ứng từ người trồng, thu mua với đơn vị vận chuyển và sàn thương mại điện tử. Chuỗi cung ứng này càng chặt chẽ bao nhiêu, sản phẩm giao tới tay người tiêu dùng càng nhanh, tươi ngon, đảm bảo chất lượng bấy nhiêu.

Chất lượng, sản lượng và giá nông sản khi đưa lên kênh bán trực tuyến cũng là thách thức được đại diện cơ quan xúc tiến thương mại nhắc tới. "Người trồng cần chú trọng hơn tới quy trình canh tác để đảm bảo chất lượng nông sản đồng đều; các đơn vị tham gia chuỗi cung ứng phải cam kết chất lượng, giá... khi đưa sản phẩm lên lên kênh bán online, mới tạo được sự tin dùng từ người mua", vị này khuyến nghị.

Là một trong những mắt xích trong chuỗi cung ứng đưa nông sản "từ trang trại tới bàn ăn", các sàn thương mại điện tử cho hay, họ đều cử nhân sự trực tiếp xuống vùng trồng, hướng dẫn bà con nông dân, hợp tác xã cách đóng gói hàng, mở gian hàng và đăng bán sản phẩm lên sàn. Chẳng hạn với quả vải Hải Dương, ông Quang Thuật cho biết, Sendo cử nhân sự hỗ trợ bà con nông dân tại vùng trồng quy cách đóng gói, tỷ lệ ướp đá trên số vải trong mỗi thùng vừa đúng để vừa giữ độ tươi ngon cho quả vừa tiết kiệm chi phí cho bà con. Còn Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang Trần Quang Tấn cam kết, tỉnh này hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp cũng như phối hợp với các sàn kết nối với các chuỗi cung ứng, đảm bảo hệ thống hậu cần (vận chuyển, kho lạnh, đóng gói...).

Thách thức tiếp theo khi đưa quả vải nói riêng, nông sản Việt ra thế giới, ông Chiến nói là vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện các sản phẩm trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại và sàn thương mại điện tử đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, đảm bảo sản phẩm được minh bạch thông tin. "Nhật ký chăm sóc được nhập liệu đầy đủ các thông tin về hoạt động canh tác, chăm sóc, thu hái và vận chuyển", Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ.

Ở điểm này, TS Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP HCM cho rằng, ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản là xu hướng mới, giúp cơ quan quản lý, người tiêu dùng và cả đơn vị sản xuất tránh được hàng giả, đảm bảo chất lượng. Việc truy xuất dữ liệu còn giúp giải quyết những bài toán vĩ mô, không phải đưa ra các chiến dịch giải cứu nông sản như trước đây. "Ứng dụng khoa học công nghệ giúp giảm chi phí cho các đơn vị, lấy lại niềm tin cho người dùng khi biết rõ những gì chúng ta ăn", ông Trung chia sẻ.

 

  • Nguồn tin: Nguồn:vnexpress.net
  • Thời gian nhập: 07/06/2021
  • Số lần xem: 1781