Xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam – Chi Lê (27/09/2021)

Ngày 25-26/9/2021, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM – Bộ Công Thương) đã phối hợp với Thương Vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Chi Lê và Phòng Thương mại Việt Nam – Chi Lê tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến XTTM và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam – Chi Lê 2021.

Sự kiện thuộc Chương trình Cấp quốc gia về XTTM năm 2021, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và Chi Lê đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường của nhau.

Thương mại song phương khởi sắc

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục XTTM cho biết, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Chi Lê những năm qua ngày càng khởi sắc trên nền tảng quan hệ hợp tác hữu nghị, đôi bên cùng có lợi, và sự tận dụng những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà 2 nước tham gia ký kết như FTA Việt Nam – Chi Lê, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trong 8 tháng đầu năm nay, mặc dù khó khăn do dịch bệnh Covid 19, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước vẫn đạt được những kết quả khả quan với 1,27 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chi Lê tăng 44% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Chi Lê cũng tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam xuất khẩu sang Chi Lê chủ yếu là điện thoại, linh kiện, máy móc, thiết bị, giày dép, hàng dệt may…, đồng thời nhập khẩu từ Chi Lê các nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu cho ngành gỗ, thủy hải sản và rau quả…

Tương tự như đánh giá của ông Lê Hoàng Tài, ông Phạm Trường Giang, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Chi Lê cũng nhận xét, kể từ khi FTA giữa Việt Nam và Chi Lê có hiệu lực vào năm 2014, quan hệ thương mại giữa hai nước tăng trưởng nhanh chóng. Nhiều mặt hàng do Việt Nam sản xuất đã có mặt tại thị trường Chi Lê. Ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng dễ dàng tiếp cận những nguyên liệu tốt có giá cả phù hợp của Chi Lê. Nhiều sản phẩm tiêu dùng có chất lượng cao của Chi Lê như rượu vang, hoa quả tươi, cá hồi cũng đã dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam.

Đáng chú ý, gần đây, quả bưởi Việt Nam đã được xuất khẩu sang  Chi Lê và quả cherry của Chi Lê cung đã được vào thị trường Việt Nam.

Nhận định về triển vọng hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Chi Lê trong tương lai, ông Phạm Trường Giang cho rằng, quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn còn rất nhiều tiềm năng để hợp tác, phát triển.

“Việt Nam – Chi Lê có điều kiện mở rộng trao đổi thương mại giữa hai nước vì đã có đủ cơ chế, khuôn khổ hợp tác để phát triển quan hệ song phương, trong đó quan trọng nhất là FTA Việt Nam – Chi Lê”, ông Phạm Trường Giang nhấn mạnh.

Theo phân tích của các chuyên gia tại hội nghị, nhiều sản phẩm của Việt Nam có tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Chi Lê trong thời gian tới như: đồ bảo hộ y tế; xơ, sợi các loại; túi tự phân hủy sinh học, dây thừng cho nuôi trồng cá hồi; sản phẩm may mặc và giày dép…

Đáng chú ý, Chi Lê không chỉ là thị trường tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam mà đây còn được xem là cầu nối để sản phẩm Việt tới được thị trường các nước Nam Mỹ.

Sẵn sàng song hành với doanh nghiệp

Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và Chi Lê khai thác thành công tiềm năng của thị trường của nhau, ông Lê Hoàng Tài nhấn mạnh, Cục XTTM luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp Việt Nam và Chi Lê trong những hoạt động XTTM, vì sự phát triển ngày càng lớn mạnh của doanh nghiệp và sự hợp tác thương mại phồn thịnh giữa hai quốc gia.

Về phía Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Chi Lê, ông Phạm Trường Giang cũng khẳng định cơ quan này sẽ hợp tác với Phòng Thương mại Việt Nam – Chi Lê để tiếp tục là cầu nối cho doanh nghiệp hai nước.

Tương tự, ông Manuel Ubilla Espinoza, Chủ tịch  Phòng Thương mại Việt Nam – Chi Lê cũng cam kết thúc đẩy hợp tác với Cục XTTM, Đại sứ quán Việt Nam tại Chi Lê để biến những tiềm năng hợp tác thương mại giữa hai nước thành hiện thực. Đồng thời, ông Manuel Ubilla Espinoza cũng bày tỏ mong muốn những sự kiện như hội thảo lần này sẽ được tổ chức thường xuyên để tăng cường kết nối doanh nghiệp hai nước.

Cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, XTTM, phía doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu kỹ thị trường của nhau để hợp tác thương mại được thuận lợi hơn.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam khi hợp tác với doanh nghiệp Chi Lê cần tuân theo tiêu chuẩn quốc tế chung tại nước này. Cụ thể, những mặt hàng nhập khẩu được tiêu thụ rộng rãi tại Chi Lê phải ghi tên nước xuất xứ trên bao bì, nhãn mác… Đối với hàng thực phẩm phải ghi rõ giá trị dinh dưỡng, các thành phần cấu thành thức ăn, những cảnh báo về hàm lượng như muối, đường, chất béo... bằng tiếng Tây Ban Nha.

Các doanh nghiệp giữa hai nước cũng cần khai thác, tận dụng những ưu đãi về thuế quan do các FTA mang lại.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có sự hiểu biết về nền văn hóa chung của Việt Nam và Chi Lê cũng như văn hóa kinh doanh giữa doanh nghiệp và người dân hai nước, bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng, đóng góp vào sự thành công của việc khai thác tiềm năng hợp tác thương mại song phương.

Trong khuôn khổ hội nghị giao thương, 50 doanh nghiệp Việt Nam và Chi Lê đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thông tin thị trường, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thương hiệu và nhu cầu xuất nhập khẩu của mỗi bên, nhằm hướng tới thiết lập các mối quan hệ kinh doanh trong tương lai.

Ngoài những cuộc giao thương B2B trực tiếp giữa các doanh nghiệp hai nước, bà Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và ông Đỗ Thanh Bình, đại diện Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam cũng cung cấp cho các doanh nghiệp Chi Lê cái nhìn tổng quan về lĩnh vực công nghiệp gỗ trợ và công nghệ thông tin của Việt Nam. Đồng thời, đại diện hai hiệp hội này cũng giới thiệu về tiềm năng, năng lực của các doanh nghiệp thành viên, qua đó mong muốn doanh nghiệp hai nước có thể tìm kiếm được đối tác phù hợp để bắt tay hợp tác kinh doanh lâu dài./.

  • Nguồn tin: VIETRADE
  • Thời gian nhập: 27/09/2021
  • Số lần xem: 1077